Dòng chảy 70 năm nông nghiệp Việt Nam |
Thứ sáu, 16/10/2015 14:04 |
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Nông nghiệp Việt Nam có nhiều biến động về tổ chức theo diễn biến dòng chảy lịch sử để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm khu trưng bày thành tựu ngành nông nghiệp Việt Nam tại Triển lãm thành tựu 70 năm KT-XH Việt Nam ngày 2/9/2015.
Nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn luôn giành được nhiều thành tựu to lớn, làm tròn vai trò nền tảng, trụ đỡ cho kinh tế nước nhà. Những dấu mốc lịch sử Chỉ sau 2 tháng thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại phiên họp ngày 14/11/1945, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết nghị thành lập Bộ Canh nông với nhiệm vụ giải quyết nạn đói và soạn thảo một chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Thực hiện Quyết nghị của Hội đồng Chính phủ, ngày 1/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 69 với nội dung: “Tất cả các cơ quan Canh nông, Thú y, Mục súc, Ngư nghiệp, Lâm chính và Nông nghiệp tín dụng (Hợp tác xã và Nông khố ngân hàng) trong toàn cõi Việt Nam từ nay thuộc Bộ Canh nông”.
Chính vì vậy, ngày 14/11/1945 có thể được xem là ngày hoạt động chính thức đầu tiên của ngành Nông nghiệp và PTNT dưới chính thể mới - chính thể dân chủ cộng hòa và ngày nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trải qua lịch sử 70 năm hình thành và phát triển đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức; từ Bộ Canh nông (1945) đến Bộ Nông lâm và Bộ Thuỷ lợi (1955); Bộ Nông nghiệp; Bộ Nông trường; Tổng cục Thủy sản; Tổng cục Lâm nghiệp (1960); Ủy ban Nông nghiệp trung ương (1971); Bộ Hải sản và Bộ Lâm nghiệp (1976); Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lương thực (1981); Bộ Nông nghiệp (1987). Năm 1995, để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi và Phát triển nông thôn, từ ngày 3/10 - 28/10/1995, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá IX đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và PTNT trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp - Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thuỷ lợi. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XII (tháng 8/2007) đã quyết định hợp nhất Bộ Thuỷ sản vào Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tại Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định: “Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước các ngành, các lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi; thủy sản và phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước; quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ”.
Những dấu bước phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam Trải qua lịch sử 70 năm hình thành và phát triển, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm và coi trọng; sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đất nước - từ thời kháng chiến kiến quốc đến giai đoạn thống nhất đất nước và đổi mới hiện nay. Trong 10 năm (1945 - 1954), nông nghiệp Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh là nền tảng của kinh tế kháng chiến với những đóng góp to lớn giải quyết nạn đói 1945 - 1946, đẩy mạnh tăng gia SX, cung cấp sức người sức của cho kháng chiến, hình thành những nền tảng để phát triển nông nghiệp trong những giai đoạn tiếp sau. Từ một nền kinh tế canh nông đã bị tê liệt trước năm 1945, nông nghiệp kháng chiến không những không bị suy thoái tiếp, mà đã được duy trì và phát triển, với sản lượng lương thực, thực phẩm và hàng hóa ngày càng dồi dào hơn, đáp ứng kịp thời các nhu cầu của cuộc kháng chiến và đời sống nhân dân. Chặng đường 20 năm (1955-1975) là thời kỳ đặc biệt của quá trình xây dựng và phát triển ngành Nông nghiệp nước ta, khi đất nước bị chia cắt làm hai miền, tiến hành hai chiến lược cách mạng khác nhau, chịu nhiều thách thức to lớn trong và ngoài nước, dưới chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Trong khi nông nghiệp miền Nam phát triển không ổn định, không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của xã hội, thì nông nghiệp miền Bắc đã hoàn thành vai trò mặt trận hàng đầu trong xây dựng hậu phương lớn, chi viện đắc lực cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, đất nước được độc lập, tự do, mở ra cơ hội và điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng, thế mạnh về SX nông nghiệp của cả hai miền. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhằm phát triển SX nhưng giai đoạn này SX nông nghiệp ở miền Bắc vẫn mang nặng tính bình quân, bao cấp; còn ở miền Nam, phong trào hợp tác hóa phát triển nhanh nhưng không bền vững;… Trước tình hình đó, từ những thí điểm hình thức khoán trong SX nông nghiệp ở Hải Phòng, Vĩnh Phú, Nghệ Tĩnh năm 1980, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương mở rộng hình thức khoán theo Chỉ thị 100-CT/TW - chuyển sang cơ chế quản lý mới trong SX nông nghiệp trong cả nước, tạo đà cho phát triển và đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần cải thiện đời sống nhân dâ. Đặc biệt, từ năm 1986 (Đại hội Đảng VI), Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế, biện pháp mới nhằm giải phóng sức SX, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhờ vậy, nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Nhìn lại, 30 năm đổi mới vừa qua đã đánh dấu bước phát triển thần kỳ của nông nghiệp Việt Nam. Thành công trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những thành tựu rõ rệt nhất của quá trình đổi mới kinh tế- xã hội Việt Nam thời gian qua. Từ chỗ đất nước đang khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, hàng năm phải nhập hàng triệu tấn lương thực của nước ngoài, nhưng đến nay chúng ta đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu các mặt hàng nông sản nhiệt đới đứng hàng đầu thế giới. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra và cao hơn nhiều so với năm 2013. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 31 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013, tiếp tục là lĩnh vực tạo ra giá trị thặng dư cao với 9,5 tỷ USD. Trong đó, có 10 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều thách thức và cơ hội đang mở ra, đòi hỏi phải có bước phát triển hoàn toàn mới trong tư duy phát triển và chiến lược chính sách. Toàn bộ nền kinh tế đã chuyển vào giai đoạn đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tài nguyên đang rút ra mạnh khỏi nông nghiệp, nông thôn; quá trình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp; hội nhập kinh tế đi vào giai đoạn sâu rộng triệt để cùng nhiều thách thức và cơ hội mới, cạnh tranh thị trường trở nên quyết liệt; khoa học- công nghệ phát triển mạnh, các biến động chính trị kinh tế trên thế giới trở nên khó lường. Chính vì vây, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào khai thác tài nguyên và hướng vào thị trường dễ tính giá rẻ đã không còn phù hợp. Toàn nền kinh tế và lĩnh vực nông nghiệp chỉ có thể tiếp tục tăng trưởng ổn định nếu chuyển nhanh sang định hướng phát triển theo chiều sâu, tập trung vào hiệu quả, chất lượng, giá trị và vững bền. Đây là lúc tập trung thực hiện chương trình “Tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới” với các nội dung chính về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới thể chế, phát triển thị trường, nâng cao đời sống, thu nhập của người nông dân… Để làm tốt được việc này cần có sự tham gia của mọi ngành, mọi cấp và toàn xã hội vào chương trình tái cơ cấu nông nghiệp; mà trước hết, cần có sự thay đổi tư duy để hình thành quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo và toàn dân. https://nongnghiep.vn/dong-chay-70-nam-nong-nghiep-viet-nam-post150988.html Nguồn: http://nongnghiep.vn/
|