Đối thoại chính sách cấp cao về chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, phát thải thấp |
Thứ sáu, 03/12/2021 08:12 |
Ngày 30/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Đối thoại chính sách cấp cao về chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, phát thải thấp”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan và bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì diễn ra tại Hà Nội.
Tham dự Diễn đàn tại các điểm cầu trong và ngoài nước, có các chuyên gia hàng đầu về chính sách nông nghiệp, lương thực, tài chính quốc tế; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo Bộ NN&PTNT, đại dịch Covid-19 khiến kinh tế đất nước rơi vào giai đoạn khó khăn. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong việc bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm sinh kế, việc làm cho người dân nông thôn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức như: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Đây là sự kiện mở đầu trong chuỗi sự kiện Đối thoại chính sách và truyền thông về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp và bền vững do Bộ NN&PTNT phối hợp Ngân hàng Thế giới thực hiện nhằm định hướng tầm nhìn của ngành nông nghiệp đến năm 2050 theo hướng phát triển xanh, carbon thấp và bền vững. Nội dung chính của đối thoại chính sách cấp cao “Chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, phát thải thấp” có mục đích cung cấp tri thức với sự tham gia của các diễn giả hàng đầu thế giới nhằm định hướng tầm nhìn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam theo hướng phát triển xanh, phát thải thấp và bền vững. Theo “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” vừa được Chính phủ ban hành, Bộ NN&PTNT đang xây dựng “Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, được thiết kế xoay quanh 3 trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh” phù hợp với định hướng Chiến lược của quốc gia. Trên cơ sở này, tư duy phát triển cần chuyển từ tư duy đặt năng suất và sản lượng lên hàng đầu sang lấy giá trị làm trung tâm thông qua tích hợp các hệ giá trị khác nhau vào sản phẩm; từ tư duy tận dụng, khai thác sang bồi dưỡng và làm giàu tài nguyên phục vụ nhu cầu sản xuất bền vững. Đồng thời, cần hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại biểu ở các điểm cầu được nghe chuyên gia ở các nước trên thế giới chia sẻ những nội dung: Kinh nghiệm của toàn cầu trong việc chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp; hiện trạng, triển vọng của ngành nông nghiệp Việt Nam và những thách thức, cơ hội khi thực hiện chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp trong bối cảnh quốc tế; điều chỉnh các chương trình và hỗ trợ công theo chương trình nghị sự; thỏa thuận xanh của liên minh Châu Âu (EU) và khả năng cạnh tranh xuất khẩu nông sản của Việt Nam; hỗ trợ của nhóm Ngân hàng Thế giới đối với nông nghiệp Việt Nam; vai trò của tư nhân trong việc thúc đẩy nông nghiệp xanh… Tại Diễn đàn này, lãnh đạo các tỉnh, thành tham gia ý kiến thảo luận về công tác triển khai, kết quả cũng như bài học kinh nghiệm của địa phương khi xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án, mô hình liên quan đến chuyển đổi kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường... Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, ngành nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 nhưng hiện ngành đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, từ các vấn đề nội tại và các yếu tố khách quan. Để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết. “Hội nghị đã mở ra những vấn đề mới, mở ra một cánh cửa tri thức mới về phát triển nền nông nghiệp xanh. Các bộ, ngành, địa phương cần xác định xanh hóa nền nông nghiệp không phải là gánh nặng mà là cơ hội để hành động ngay”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. Bộ trưởng giao các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT liên quan đến nông nghiệp xanh phối hợp, xác định những việc làm cụ thể để bắt đầu ngay việc chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển xanh, phát thải thấp và bền vững từ hôm nay. Tại Diễn đàn, bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam cần lưu ý cả về vấn đề thích ứng và giảm thiểu khi sản xuất nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải. Bà Carolyn Turk chia sẻ, với những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trong chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng các hoạt động đầu tư trong nông nghiệp để xác định và hướng tới tương lai tươi sáng cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Bà Carolyn Turk cho rằng, Việt Nam cần duy trì vị thế là một trong những nước sản xuất nông nghiệp mạnh trên thế giới. Để làm được điều này, cần tìm ra động lực tăng trưởng mới và hiệu quả hơn trong nông nghiệp. Việc sản xuất sản phẩm, tương lai nông nghiệp Việt Nam sẽ dựa vào tri thức nhiều hơn để gia tăng giá trị tăng thêm. Đồng thời, Việt Nam cũng cần nhạy bén hơn những nhu cầu trên toàn cầu để sản xuất sản phẩm an toàn hơn với môi trường. Phát biểu kết luận Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp theo xu hướng hiện đại, bảo đảm phát triển bền vững, góp phần đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế- xã hội, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có sự chia sẻ, đồng hành, ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Với lợi thế địa lý và tiềm năng cùng tư duy đổi mới, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistic nông nghiệp và thực phẩm, trung tâm chế biến nông lâm thủy sản cho khu vực và đặt ra khát vọng trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon. https://www.mard.gov.vn/ |